
Thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều yếu tố tác động dẫn đến sự trầm lắng. Chuyên gia cho rằng, dòng tiền thực là điểm sáng để khơi thông bế tắc về giao dịch bất động sản.
Nhiều yếu tố dẫn tới sự trầm lắng của thị trường
Thị trường bất động sản trong những năm gần đây liên tục lên cơn sốt, thậm chí có những khu vực chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng lên 2 - 3 lần, điều này dẫn tới những bất ổn của thị trường hiện tại. Nhiều người có nhu cầu sở hữu nhà nhưng không có khả năng mua; nhà đầu tư đứng trước nguy cơ chôn vốn và thanh khoản gần như “đóng băng”.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, có 3 yếu tố dẫn tới sự trầm lắng của thị trường ở giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, thứ nhất là sự bùng nổ về sốt đầu tư, đầu cơ chiếm tới 70%, mà không phải do nhu cầu thực. Từ đó, dẫn tới việc giá liên tục tăng mạnh, thậm chí vượt qua giá trị thực của sản phẩm bất động sản gây nhiễu loạn và lũng đoạn tại thị trường nhiều khu vực.
Thứ hai, sự mất cân đối về cơ cấu sản phẩm bất động sản. Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, nhu cầu tăng lên nhưng lại thiếu nguồn cung dẫn tới việc giá đẩy lên cao. Trong khi đó, thiếu bất động sản phục vụ nhu cầu thực vừa túi tiền, mà phần lớn trên thị trường là các dự án nhà ở cao cấp và các sản phẩm đầu tư. Ví dụ như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; biệt thự; shophouse.
Thứ ba, các chính sách hiện nay chưa tháo được những khó khăn của những dự án phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân.
Do vậy, khi thế giới có những sự biến động lớn, tạo ra nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng bị tác động, và bắt đầu đưa ra những chính sách để điều tiết. Trong đó, có chính sách thắt chặt tín dụng và trái phiếu xuất hiện dấu hiệu của sự lỏng lẻo dẫn tới nhiều sai phạm.
“Thị trường chủ yếu đầu tư bằng tiền đi vay, thiếu các sản phẩm thiết thực để cân đối lượng giao dịch. Đến khi đi vay không được thì lập tức giao dịch giảm sút, đến thời điểm này gần như đóng băng”, ông Đính nói.
Ông Đính cho rằng, thị trường hiện nay đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang vật lộn với nhiều thách thức và tìm cách để tồn tại. Cũng có thể nói, giai đoạn này khá giống với thời kỳ khủng hoảng năm 2012. Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường bất động sản đang khủng hoảng.
Theo CafeF
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
thuongmaidautu@gmail.com